• Giờ đón/trả trẻ : 6h45 - 17h15

Bệnh sốt xuất huyết và phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch, do virus dengue gây ra. Ở Việt Nam, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, đặc biệt là vào các tháng 7, 8, 9, 10. Trước tình hình dịch sốt xuất huyết 2019 trên cả nước đang có diễn biến phức tạp, các gia đình cần cảnh giác trước các dấu hiệu của sốt xuất huyết để phòng tránh & điều trị kịp thời

1. Phân loại các mức độ của sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết được chia làm 3 mức độ (Theo Tổ chức Y tế Thế - WHO năm 2009):

  1. Sốt xuất huyết Dengue.
  2. Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo.
  3. Sốt xuất huyết Dengue nặng (Sốc sốt xuất huyết Dengue).

2. Dấu hiệu nhận diện từng mức độ sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện khá đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Cần lưu ý giai đoạn sốt tương ứng với thể bệnh sốt xuất huyết Dengue thông thường, nếu đã chuyển qua giai đoạn nguy hiểm tức là đã chuyển qua mức độ của thể bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng. Khi đó cần phải cho bệnh nhân nhập viện ngay vì có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh sẽ giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.

Giai đoạn sốt

Giai đoạn sốt sẽ xuất hiện sau thời gian ủ bệnh, kéo dài từ 4 đến 10 ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt.

  • Bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt.
  • Đau đầu dữ dội ở vùng trán, nhức hai hố mắt sau nhãn cầu.
  • Có thể có nổi mẩn, phát ban, da xung huyết.
  • Chán ăn, buồn nôn.
  • Đau cơ, đau khớp.
  • Nghiệm pháp dây thắt dương tính.

Sốt xuất huyết

Sốt cao khó hạ là triệu chứng điển hình của sốt xuất huyết

Giai đoạn nguy hiểm

Thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Nhiệt độ giảm không nhất thiết có nghĩa là người bệnh đang hồi phục, ngược lại cần phải đặc biệt theo dõi biểu hiện của sốt xuất huyết dengue có dấu hiệu cảnh báo và tiến triển thành sốt xuất huyết dengue nặng.

  • Thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 - 48 giờ); tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, nề mi mắt, gan to, có thể đau. Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 25 mmHg), tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít.
  • Xuất huyết: Xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết, thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Xuất huyết ở niêm mạc: Chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Xuất huyết nội tạng như: Tiêu hóa, phổi, não là biểu hiện nặng (nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen do bị xuất huyết nội tạng).
  • Một số trường hợp sốt xuất huyết dấu hiệu nặng có thể có biểu hiện suy tạng như: viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.
  • Đau bụng, buồn nôn, tay chân lạnh, vật vã hốt hoảng (đây là hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu và tụt huyết áp), cần phải cấp cứu nhanh chóng.

Ngứa khi sốt xuất huyết

Xuất huyết dưới da thường xuất hiện trong giai đoạn nguy hiểm của bệnh

Giai đoạn hồi phục

Khoảng 24 - 48 giờ sau giai đoạn nguy hiểm, cơ thể bệnh nhân có hiện tượng tái hấp thu dần dịch từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch, giai đoạn này sẽ kéo dài trong khoảng 48 - 72 giờ.

  • Bệnh nhân hết sốt, tổng trạng tốt lên, thèm ăn uống trở lại, huyết động ổn định và đi tiểu nhiều.
  • Có thể có nhịp tim chậm và thay đổi về điện tâm đồ.
  • Trong giai đoạn này, nếu truyền dịch quá mức cho bệnh nhân có thể gây ra phù phổi hoặc suy tim.

3. Bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm như thế nào?

Cho đến nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh thường gây dịch lớn với nhiều người mắc cùng một lúc khiến công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong, đặc biệt là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Hơn 85% các ca mắc sốt xuất huyết dengue và 90% trường hợp tử vong xảy ra ở các tỉnh phía Nam Việt Nam. Trong đó, 90% các ca tử vong do sốt xuất huyết là dưới 15 tuổi.

Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 tuýp, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 tuýp virus này đều có khả năng gây bệnh ở Việt Nam và luân phiên gây ra dịch bệnh. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng tuýp riêng lẻ, vì vậy có thể hiểu rằng: một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 tuýp virus khác nhau.

4. Hướng dẫn phòng bệnh

  • Tránh muỗi đốt: Ngủ màn, không để trẻ chơi ở chỗ tối, thoa kem chống muỗi.
  • Diệt muỗi và loăng quăng: nhà cửa luôn thoáng mát, sạch sẽ ngăn nắp. Không để các dụng cụ chứa nước hoặc nếu có phải đậy nắp và thường xuyên thay rửa, loại bỏ các ổ nước đọng.
  • Ngoài những hướng dẫn trên, bạn hãy lưu ý luôn theo dõi sát thân nhiệt, báo ngay cho bác sĩ nếu nhận thấy dấu hiệu sốt lên, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Bài viết liên quan
10 Dị vật gây nghẹt đường thở phổ biến: Nguy hiểm từ những… điều quen thuộc

Một số nguyên nhân gây hóc, sặc dị vật đường thở của trẻ phổ biến như: trẻ vừa ngậm thức ăn vừa chơi đùa hay khóc la trong lúc ăn. Ở tuổi này, trẻ chưa đủ răng khi nhai thức ăn, đây là thời kỳ hành vi tay – miệng.


ĐỪNG QUÊN PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19

Dịch bệnh Covid-19 đang quay trở lại với chúng ta, hãy cùng nhau chung tay phòng chống dịch nhé các con!


PHÒNG CHỐNG CÁC DỊCH BỆNH TRONG MÙA NẮNG NÓNG

Những bệnh trẻ thường gặp trong mùa hè, các mẹ cần chú ý nhé!


HỖ TRỢ TRẺ CHẬM NÓI- 7 GHI NHỚ DÀNH CHO BỐ MẸ

Trẻ chậm nói là tình trạng khá phổ biến hiện nay, điều này khiến cho các bậc cha mẹ có rất nhiều lo lắng. Bởi ngôn ngữ là phương tiện giúp trẻ giao tiếp, biểu đạt nhu cầu, cảm xúc của mình.

Ngoài việc thăm khám và thực hiện chỉ định của bác sĩ, cha mẹ luôn là người đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển ngôn ngữ cho trẻ.

Dưới đây là 7 ghi nhớ dành cho cha mẹ có con bị chậm nói


THÔNG TIN CẦN BIẾT VỀ TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 CHO TRẺ TỪ 5 ĐẾN DƯỚI 12 TUỔI

1. Bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới trẻ em thế nào?

Đối với hầu hết trẻ em khi mắc COVID-19, hầu hết là bị nhẹ, có thể phải nghỉ học vài hôm để điều trị và thường ít khi dẫn tới biến chứng. Ở một số trẻ, triệu chứng COVID-19 có thể nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài lâu hơn.

Hiện tại, biến thể Omicron dường như gây ra triệu chứng khá nhẹ, chủ yếu là ở đường hô hấp trên. Tuy nhiên, nếu các biến thể mới xuất hiện trong tương lai, cũng chưa thể biết các triệu chứng sẽ như thế nào.