Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 1/3 số trẻ em trên toàn thế giới bị nhiễm cúm và đặc biệt trẻ em cũng được xếp vào nhóm có tỉ lệ tử vong cao do bệnh cúm.
Yếu tố “thiên thời địa lợi” làm lan truyền lây nhiễm virút cúm
Thời tiết khí hậu: ở môi trường có độ ẩm thấp và nhiệt độ không cao (khí hậu lạnh, ẩm) dễ làm phát tán bệnh cúm.
Môi trường sống: không thông thoáng, mật độ dân cư đông đúc, môi trường ô nhiễm hoặc ẩm thấp dễ làm lây truyền virút cúm.
Bệnh cúm dễ nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh thông thường
Cảm lạnh và cúm là 2 bệnh lý hoàn toàn khác nhau, mặc dù 2 bệnh có những triệu chứng tương tự nhau. Sự khác biệt thể hiện qua 3 đặc điểm sau đây:
Khác nhau về tác nhân gây bệnh: bệnh cảm lạnh thường do một số siêu vi thông thường đường hô hấp như Adenovirus, Rhinovirus, Coronavirus…. gây ra, còn bệnh cúm thì do virút cúm có tên khoa học là Influenzae.
Khác nhau về bệnh cảnh và triệu chứng lâm sàng: bệnh cảm lạnh thường gây những triệu chứng ở đường hô hấp ở mức độ nhẹ hoặc trung bình như hắt hơi, sổ mũi, hoặc nghẹt mũi, một số bệnh nhân có thể bị ho khan hoặc cơ thể mệt mỏi thoáng qua. Ngược lại, khi bị nhiễm cúm triệu chứng bệnh thường rầm rộ biểu hiện qua 3 hội chứng sau:
Hội chứng nhiễm trùng: trẻ thường bị sốt cao liên tục 39 - 400C khi nhiễm cúm, mặt đỏ bừng, mạch nhanh, biếng ăn, tiểu ít, nước tiểu vàng sậm. Trẻ thường bị mệt lả, đuối sức vì sốt.
Hội chứng đau nhức: nhức đầu dữ dội và liên tục gia tăng khi sốt cao hoặc khi ho gắng sức, thường đau nhiều ở vùng trán và vùng trên nhãn cầu. Bệnh nhân còn đau các bắp cơ thân mình. Bệnh nhân có cảm giác nóng, đau vùng trên xương ức.
Hội chứng viêm long đường hô hấp: xuất hiện ngay các ngày đầu với mức độ nặng nhẹ khác nhau như hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi, mắt đỏ, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, cảm giác khô và đau rát họng. Trẻ em thường kèm theo dấu hiệu buồn nôn, nôn ói hoặc đau bụng.
Khác nhau về mức độ nguy hiểm và biến chứng: bệnh cảm lạnh thường tự khỏi và không gây bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào cho con người, ngược lại bệnh cúm nếu không theo dõi và chăm sóc người bệnh đúng cách có thể gây những biến chứng nghiêm trọng cho con người.
Chăm sóc đúng cách trẻ mắc cúm tại nhà
Việc chăm sóc nên chú ý những nguyên tắc sau đây:
- Hạ sốt cho trẻ khi thân nhiệt đo được từ 380C bằng paracetamol đơn chất với liều 10mg - 15mg/kg cân nặng cơ thể mỗi 4 - 6 giờ kết hợp với lau mát bằng nước ấm khi cần thiết. Tuyệt đối không được sử dụng aspirin để hạ sốt cho trẻ.
Cho trẻ uống thêm nhiều nước, đặc biệt là những loại nước giàu vitamin C như nước cam tươi, nước chanh, nước táo… giúp trẻ tăng cường sức đề kháng để mau khỏi bệnh. Cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, ấm, dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng như cháo, xúp dinh dưỡng, sữa nóng…
Cho trẻ đến ngay bệnh viện nếu thấy bệnh trầm trọng hơn, trẻ bỏ ăn bỏ uống, quấy khóc nhiều, đặc biệt là sốt cao liên tục không hạ sau khi đã uống thuốc hạ sốt và lau mát tích cực.
Chủ động phòng bệnh
- Nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa sạch tay bằng xà bông và nước sạch.
- Tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm khuẩn hô hấp cấp, giữ khoảng cách an toàn (>1m).
- Mang khẩu trang y tế khi đến chỗ đông người: bệnh viện, siêu thị, công viên, rạp chiếu phim…
- Nhắc nhở trẻ thói quen che miệng khi ho.
- Giữ vệ sinh thân thể và môi trường sống thật tốt.
- Phòng ngừa chủ động tốt nhất và hiệu quả nhất là đưa trẻ đi tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh cúm.
ThS.BS ĐINH THẠC
Nguồn https://suckhoedoisong.vn